Muốn kiếm tiền từ nhà đất thì phải biết quên mình

Muốn kiếm tiền từ nhà đất thì phải biết quên mình

“Môi giới là nghề, nghiệp và đời” – vâng, đó là câu nói một môi giới lão luyện răn dạy đàn em khi anh ta mới bước chân vào nghề. Câu nói đó ẩn chứa góc khuất của nghề môi giới bất động sản, nó đúng với bất kỳ ai muốn kiếm tiền từ nhà đất.

Nghề phải quên mình

Nếu coi việc giới thiệu nhà đất cho người khác để ăn hoa hồng thì đúng vậy, tôi đã có được thứ hoa hồng đó. Nhưng tôi đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ có giá trị không kém, đó là thời gian và sức khỏe. Chắc bạn cũng hiểu, khi phải tâng bốc cho hay để khách bỏ tiền mua nhà mà trong lòng thừa biết căn nhà không đáng giá đến mức đó. Và cũng nhiều lần người môi giới phải tự vấn lương tâm mình khi nghĩ rằng mình suốt ngày nịnh hót, bơm thổi.

Nhớ về thời đó, tôi vẫn canh cánh trong lòng. Quần áo thì chơi toàn đồ hiệu, đồ xịn. Đến cái caravat cũng phải xài hàng cao cấp mới có thể có đủ tự tin đàm phán với khách. Tất nhiên, khách hàng thì luôn là thượng đế, luôn là người mình phải dùng mọi kỹ năng, lời lẽ ngon ngọt để “kích” họ phải quyết định bỏ những đồng tiền mồ hôi xương máu để mua nhà đất.

Mấy vụ trên là còn nhẹ, tôi biết có những môi giới sẵn sàng diễn vở kịch mùi mẫn để khách thương hại hay diễn tình huống éo le đến mức hoành tráng để bơm giá nhà. Mấy chuyện đó có thấy tận mắt mới biết công việc thực sự của một môi giới là gì.

Chính vì phải nói nhiều, thuyết phục nhiều đến như vậy nên nghề môi giới bất động sản không cho chỗ cho sự tự ti, xấu hổ, ngại ngùng. Nói như một “đại bàng” thì đó là một cỗ “máy xay thịt” khổng hồ. Khối anh làm ngày làm đêm đến mệt phờ, sinh bệnh. Có anh không chịu nổi stress phải bỏ hết cả nền tảng đã gây dựng từ lâu, bỏ về quê trồng rau chăn gà. Có vô số câu chuyện chứng minh đó là nghề vô cùng khắc nghiệt, không dành cho người yếu đuối.

Còn nữa, lương lậu hay phòng làm việc cũng là một thứ xa xỉ với chúng tôi. Thử nghĩ xem, 3-4 triệu lương cứng/ tháng làm sao đủ trang trải cuộc sống? Thứ mà người môi giới kiếm ở đây là hoa hồng ăn theo % hợp đồng.

Nói đến đây, hẳn nhiều bạn sẽ nhẩm tính số tiền mà môi giới được hưởng khi có một hợp đồng thành công, họ nghĩ cũng phải lên đến vài trăm triệu hoặc hơn. Đó chỉ là vẻ bề ngoài. Thị trường nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt, nhà đất cũng vậy. Sự cân bằng chỉ diễn ra khi đó là sự may mắn. Cắt % lại cho khách, cố tình phá giá để kiếm khách hay xài “tuyệt chiêu” ép giá là những thứ vũ khi mà môi giới dùng để chiến đấu với nhau.

Nghề và nghiệp

Bạn cứ tưởng tượng trong một thị trường bất động sản Việt Nam đã tới mức “bão hòa” ở các thành phố lớn thì một khách hàng có vài môi giới chăm sóc là chuyện thường. Các cuộc chiến là không thể tránh khỏi, có thể nó không có đổ máu nhưng nếu bạn để mất một hợp đồng vào tay kẻ khác, bạn sẽ tức khắc hiểu cay đắng là gì, buồn tủi là gì. Bạn là một môi giới, bạn đã bỏ thời gian, công sức, gạt đi xấu hổ để bám theo khách ngày này qua ngày khác, cuối cùng thứ mà bạn thu được là không gì cả.

Trừ những người không biết hay mới mua nhà thì thường khách hàng sẽ chọn môi giới nào chịu cắt hoa hồng, chịu nhượng bộ nhiều nhất. Sự thay đổi ý định liên xoành xoạch của khách nhiều khi làm môi giời phát điên, nhưng họ đã ở vào tình thế “đã đâm lao thì phải theo lao”. Họ không còn sự lựa chọn nào khác, họ buộc phải bám lấy người khách mà họ đã tốn nhiều công sức. Đó chính là bức tranh về tâm lý của người môi giới bất động sản, là thứ mà họ buộc phải sống chung khi chọn nghề này.

Rồi còn sức khỏe nữa. Đó là thứ quý giá nhất của mỗi con người. Việc bận mấy thì việc, ai cũng có gia đình, cũng muốn ăn cơm với cha mẹ, vợ chồng, con cái. Nhưng với người môi giới bất động sản, họ phải hy sinh những thứ đó cho doanh số, cho hoa hồng thu được. Lắm lúc trong cơn say, tôi lơ mơ nghĩ quẩn, mình đang bị điên chăng, mình có sống như những gì mình mong đợi không, rằng tại sao lại phải tự hành hạ bản thân mình.

Dám chắc không ít anh em môi giới cũng có cảm giác đó, cái cảm giác mà sự chán nản bao trùm lên công sức, lên sự cố gắng. Có anh môi giới sau khi uống một trận với khách đã phải đăng ký hộ khẩu thường trú trong bệnh viện, cũng chỉ vì vị khách sộp kia thích nhậu nhẹt, muốn có cơ hội thì phải “hót líu lo” trên bàn nhậu.

Cũng không thể không kể đến những hệ lụy mà người môi giới bất động sản phải trải qua. Bức ép, bắt bạt, bạo lực, gạ gẫm. Đàn ông còn thấy ghê rợn, đừng nói chị em môi giới nữ. tuy xã hội đã hiện đại hơn, công nghệ đã thông minh hơn nhưng tệ nạn xã hội thì có thể tấn công không chừa một ai. Tôi đã nghe chuyện một nữ môi giới bị gọi đến nhà, ngon ngọt dụ dỗ. Cô không mắc bẫy, nhưng sau đó cô cảm thấy xấu hổ, vô dụng vì cái ranh giới giữa đạo đức và tồn tại nó mong manh quá.

Vậng, còn vô vàn câu chuyện có thể kể ra như rủi ro đụng đến pháp luật, động đến dân anh chị… Nhưng tại sao có nhiều môi giới vẫn bám trụ với nghề? Đơn giản, đó là cái duyên, cái nghiệp của cuộc đời. Nhiệt tình lao vào việc, không kể giờ giấc, xông xáo nhận việc khó, việc mệt, cố gắng đi tiếp khách, rồi cũng đến lúc thấy bạn bè có gia đình, có con cái thì cũng chạnh lòng.

Nhưng khi cầm đồng tiền cho chính sức mình làm ra, người môi giới rất đỗi tự hào với bản thân rằng mình đã kiếm được từ một nghề “khó” trong xã hội. Quãng thời gian trui rèn với đời tuy mệt mỏi, nhưng cũng chính để rèn luyện bản lĩnh, khiến những môi giới có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Đó là sự tự tin, bình tĩnh đối mặt với thử thách, là kỹ năng sắp xếp thời gian khoa học và hợp lý, là sự chính xác khi suy xét mọi việc.

Và đó là nghề môi giới…

 

Hotline: 0989 163 188